Yến mạch là một thực phẩm tốt với giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ vẫn băn khoăn không biết có nên cho trẻ dùng các món ăn từ yến mạch hay không? Hãy cùng theo dõi ngay bài viết dưới đây để tìm hiểu liệu rằng cho trẻ em ăn yến mạch có tốt không nhé!
Khi nào trẻ có thể ăn yến mạch?
Yến mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt với nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất, protein bổ dưỡng, cần thiết cho cơ thể không chỉ người lớn mà còn đối với trẻ em.
Theo các nghiên cứu của chuyên gia, trong 78g yến mạch có khoảng 303 calo, không phải là con số thấp, tuy nhiên lại vô cùng giàu dinh dưỡng như bao gồm: 51g carb, 13g protein, 5g chất béo, 8g chất xơ.
Đối với trẻ em, yến mạch là thực phẩm tốt khi trẻ đến tuổi ăn dặm, có thể dùng kèm với sữa hoặc sữa chua. Thông thường, trẻ sáu tháng tuổi đã có thể dùng yến mạch. Tuy nhiên, đối với một vài trẻ có thể dùng từ 4 tháng tuổi.
Lưu ý: Trước khi cho trẻ ăn yến mạch, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi khoa để đảm bảo rằng trẻ đã có thể ăn dặm.

Lợi ích của yến mạch đối với sức khỏe của trẻ em
Cung cấp dinh dưỡng cho trẻ bị dị ứng với thành phần gluten
Với các bé nhỏ bị dị ứng gluten (một loại protein chính có nhiều trong các thực phẩm làm từ bột mì) thì yến mạch là “vị cứu tinh” giúp bé bổ sung nhiều loại chất xơ, các vitamin và khoáng chất khác.

Hỗ trợ táo bón, tốt cho hệ tiêu hóa
Yến mạch có chứa nhiều chất xơ nên rất tốt cho hệ tiêu hoá của trẻ, đặc biệt có thể hỗ trợ tình trạng táo bón.

Tăng cường hệ miễn dịch
Trong yến mạch có chứa đường beta-glucans có công dụng kích thích sản sinh tế bào của hệ thống miễn dịch, giúp hệ thống miễn dịch của trẻ khoẻ hơn, có lợi cho thai nhi và những năm đầu đời phát triển của con.

Giúp giảm viêm
Do yến mạch có chứa hợp chất avenanthramides giúp hỗ trợ chống viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có viêm nhiễm từ vết thương và nhiễm trùng, hỗ trợ chống viêm cho các bé mắc bệnh tự miễn dịch.

Cải thiện độ nhạy insulin
Trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh tiểu đường bẩm sinh (tiểu đường tuýp 1) dùng yến mạch có thể giảm tình trạng kháng insulin (chất chuyển hoá đường để cơ thể hấp thụ được), giảm các triệu chứng và ảnh hưởng của bệnh tiểu đường.

Có lợi cho trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản
Bột yến mạch được xem là thực phẩm an toàn, phù hợp cho trẻ mắc bệnh trào ngược dạ dày bởi khi chế biến ở dạng đặc, nhuyễn sẽ giúp trẻ dễ dàng hấp thụ và tiêu hóa.
Ngoài ra, yến mạch có chứa lượng chất xơ dồi dào, điều này giúp bé dễ tiêu hoá hơn, đồng thời giải quyết tình trạng táo bón ở trẻ em.

Giảm các nguy cơ hen suyễn ở trẻ
Hen suyễn là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ gây ảnh hưởng đến hô hấp bình thường ở trẻ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng yến mạch có thể giảm các triệu chứng hen suyễn như khò khè, đau ngực, hụt hơi,… hiệu quả.

Yến mạch loại nào tốt nhất cho trẻ?
Có khá nhiều loại yến mạch trên thị trường hiện nay như yến mạch nguyên hạt, yến mạch cắt nhỏ, yến mạch cán dẹt, yến mạch ăn liền, bột yến mạch. Đối với trẻ nhỏ, tốt nhất nên sử dụng bột yến mạch thô vì dễ ăn, không cần nhai nhiều.
Hơn nữa, bột yến mạch thô chưa được chế biến nên giữ được nhiều dưỡng chất nhất.

Lựa chọn và bảo quản bột yến mạch cho trẻ
- Khi lựa chọn yến mạch: Bạn nên lựa chọn yến mạch thô, ít qua các công đoạn chế biến và không thêm các chất gia vị như đường, muối, hương liệu và chất bảo quản.
- Bảo quản yến mạch: Nên đặt ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh để ở nơi có ánh nắng trực tiếp mặt trời hay ẩm ướt, dễ gây mốc, hư hỏng. Để an toàn cho sức khỏe của bé, bạn nên mua lượng ít yến mạch và sử dụng trong thời gian ngắn. Nếu muốn bảo quản yến mạch trong thời gian dài, bạn nên cho vào túi zip và để ở ngăn đá tủ lạnh (tối đa 2 tháng).

Có nên cho trẻ ăn bột yến mạch hàng ngày không?
Tuy là một loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng mẹ không nên quá lạm dụng yến mạch. Những năm đầu đời, hệ tiêu hoá của con vẫn chưa hoàn thiện, nếu ăn quá nhiều yến mạch có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy hay đau bụng.
Tần suất hợp lý chỉ nên duy trì từ 3 – 4 lần/tuần, khi bé lớn hơn có thể cho bé sử dụng nhiều hơn tùy theo nhu cầu và sở thích của con.

Lưu ý khi sử dụng bột yế mạch
- Khi mới bắt đầu ăn dặm, mẹ nên có bé dùng liều lượng ít và ăn từ từ để quan sát và chắc chắn rằng con không bị dị ứng với yến mạch.
- Nếu có các triệu chứng như sưng mặt, nổi mề đay, nôn và buồn nôn, đau bụng hoặc tệ hơn là hôn mê thì rất có thể cơ thể của bé đã xảy ra tình trạng dị ứng với yến mạch. Ba mẹ cần đưa con đến bệnh viện gần nhất để kịp thời xử lý.
- Nếu mẹ dùng loại yến mạch cán dẹt hay nguyên hạt thì mẹ nên ngâm yến mạch với nước để mềm hơn và cần nấu kỹ giúp bé dễ tiêu hoá hơn.
- Để đảm bảo con được bổ sung dinh dưỡng toàn vẹn và không bị ngấy, mẹ nên kết hợp yến mạch và nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác trong khẩu phần ăn của con.

Các món ăn chế biến từ yến mạch
Bột yến mạch
Mẹ có thể thay gạo bằng bột yến mạch trong các món ăn của bé và kết hợp với các loại thực phẩm như tôm, bò, trứng, bí đỏ, cà rốt,…
Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo các món ăn dễ làm như cháo yến mạch bò bằm, cháo yến mạch tôm, cháo yến mạch cà rốt,…

Súp yến mạch
Súp yến mạch gà là món ăn phổ biến, kết hợp với bắp và nấm hương sẽ mang đến hương vị tuyệt vời, kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Cách làm:
- Bước 1: Luộc gà với hành tím đập dập, xé nhỏ gà đã luộc chín, giữ lại phần nước luộc gà
- Bước 2: Ngâm nấm hương trong nước vo gạo, rửa sạch lại với nước, thái nhỏ
- Bước 3: Cắt nhỏ hạt bắp, cho vào nước luộc gà, nấu đến khi bắp mềm thì cho thịt gà và nấm vào, nấu khoảng 3 – 5 phút
- Bước 4: Có thể thêm hành ngò tuỳ ý

Sữa yến mạch
Sữa yến mạch là loại sữa hạt tốt, nhiều dinh dưỡng, có thể kết hợp với các loại hạt khác như macca, hạt chia,… mang đến hương vị thơm ngon cho bữa ăn của con.
Cách làm:
- Bước 1: Ngâm yến mạch với nước sôi để nguội theo tỷ lệ 1:3 trong 2 tiếng.
- Bước 2: Rửa yến mạch lại bằng nước nóng
- Bước 3: Cho yến mạch và nước chín vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn và lọc qua rây để loại bỏ phần thừa (Ở bước này có thể thêm các loại hạt yêu thích đã chế biến sẵn trước đó)

Bánh yến mạch
Bánh yến mạch bí đỏ
Cách làm:
- Bước 1: Hấp cách thuỷ bí đỏ, đến khi chín mềm là được
- Bước 2: Ngâm yến mạch trong 30 phút
- Bước 3: Cho bí đỏ và yến mạch vào máy xay nhuyễn
- Bước 4: Cho thêm trứng vào hỗn hợp vừa xay xong, đánh đều và để trong 10 phút cho tan bóng khí
- Bước 5: Chiên bánh với lửa nhỏ đến khi chín đều

Bánh yến mạch hạt óc chó
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch hạt óc chó, sau đó ngâm hạt óc chó và yến mạch trong 2 giờ
- Bước 2: Cho yến mạch và hạt óc chó vào máy xay để xay nhuyễn
- Bước 3: Cho thêm trứng gà vào hỗn hợp vừa xay xong, đánh đều và để nghỉ 10 phút cho tan bóng khí
- Bước 4: Cho bánh vào lò nướng, điều chỉnh nhiệt độ khoảng 170 – 180 độ C và canh thời gian từ 12 – 15 phút

Bánh yến mạch nướng bơ sữa
Cách làm bánh này sẽ tận dụng phần bã thu được khi làm sữa yến mạch
- Bước 1: Lấy phần bã thu được sau khi xay và lọc yến mạch
- Bước 2: Trộn đều phần bã với sữa, trứng gà, bột mì hữu cơ hoặc bột bắp
- Bước 3: Cho bánh vào lò nướng, điều chỉnh nhiệt độ khoảng 170 – 180 độ C và canh thời gian từ 12 – 15 phút
- Bước 4: Khi bánh chín, phết bơ lên bề mặt và cho bé thưởng thức.

Hy vọng bài viết đã mang đến thông tin hữu ích cho mẹ về việc trẻ em ăn yến mạch có tốt không? Nếu cảm thấy hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè, người thân cùng đọc nhé!